Hiển thị các bài đăng có nhãn CHẾT THẸN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CHẾT THẸN. Hiển thị tất cả bài đăng

CHẾT THẸN

Sưu tầm trên :NET
Năm 1905, khi đang hoạt động ở Nhật Bản thì Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ rủ nhau lên Tokyo để tìm một người bạn Trung Quốc có tên Ân Thừa Hiến.
Khi xuống tàu hỏa, Phan Bội Châu liền gọi một người phu xe và đưa cho anh ta tấm danh thiếp của Ân Thừa Hiến để nhờ tìm địa chỉ. Người phu xe này không biết chữ Hán, nên đã đề nghị Phan Bội Châu đợi, để mình tìm một người phu xe khác biết chữ Hán để có thể giúp đỡ.
Cuối cùng, người phu xe biết chữ Hán cũng xuất hiện và đã đưa Phan Bội Châu - Tăng Bạt Hổ đến địa chỉ của Ân Thừa Hiến. Nhưng khi xe đến Chấn Võ Học Hiệu - nơi tá túc của Ân Thừa Hiến thì mới vỡ lẽ, người bạn Trung Quốc này đã chuyển đi nơi khác, và không ai biết "nơi khác" cụ thể ở đâu.
Nghĩ ngợi một lúc, người phu xe liền nói với hai vị khách Việt Nam: "Xin các ngài cứ chờ tôi một chút, tôi sẽ đi tìm địa chỉ mới của Ân Thừa Hiến rồi quay lại đón 2 ngài".
Hai vị khách Việt Nam đứng chờ từ 2 giờ chiều, đến 3 giờ, rồi 4 giờ chiều vẫn không thấy người phu xe quay lại, liền nghĩ: Tokyo rộng thế này, biết tìm Ân Thừa Hiến ở đâu. Nhưng đến 5 giờ chiều thì người phu xe bất ngờ quay lại và cho biết đã tìm được nơi cần tìm.
Thế là người phu xe đưa hai vị khách Việt đi thêm 1 tiếng nữa đến một lữ quán có treo biển "Thanh quốc Vân nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến". Tất cả cho thấy người phu xe Nhật Bản đã tận tuỵ với công việc của mình như thế nào.
Nhưng chưa hết, khi Phan Bội Châu hỏi tiền công thì người phu xe nói một con số khiến cụ Phan giật mình: "2 hào 5 xu".
Thấy số tiền quá rẻ, Phan Bội Châu rút ra một đồng bạc để trả nhưng người phu xe kiên quyết từ chối với lý do: "Theo quy định thì từ nhà ga Tokyo đến lữ quán này, giá chỉ là 2 hào 5 xu thôi. Thêm nữa, hai ông vì văn minh nước Nhật mà đến đây, chúng tôi hoan nghênh các ông, chứ không hoan nghênh tiền bạc của các ông. Nếu các ông cho tôi tiền xe vượt quá quy định thì không khác gì coi thường, khinh bạc người Nhật Bản chúng tôi".
Đây là một câu chuyện có thật, được viết lại trong tác phẩm "Tự Phán" nổi tiếng của Phan Bội Châu. Khi kể lại câu chuyện này, đặc biệt là tâm trạng của mình khi hỏi giá tiền người phu xe Nhật Bản, Phan Bội Châu cho biết: "Sợ nó cũng một nết như phu xe nước mình thì e cũng khốn nạn với vấn đề đòi tiền".
Và sau khi bày tỏ sự cảm thán trước một người phu xe Nhật Bản giàu lòng tự trọng thì Phan Bội Châu đã thốt lên: "Chao ôi! Trí thức, trình độ dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm hay sao".